* Giá trị tài chính của Biển Đông

00:20 |

Alan Phan (5-8-2014)
Theo sự méo mó nghề nghiệp của tôi, bất cứ điều gì cần phải tranh đấu, đều phải đáng đồng tiền bát gạo. Ngay cả chuyện tình cảm. Nếu một cô gái hay một chàng trai đã nhất quyết không yêu mình, thì giải pháp tốt nhất là bỏ đi, tìm chỗ kín đáo mà ngồi khóc. Van xin thì quá yếu hèn thảm hại mà kết quả sau cùng vẫn là con số không. Có dùng quyền lực hay thủ đoạn nào đó để mà thâu tóm thì cũng không gì để vui hưởng, vì đó chỉ là một hình thức hiếp dâm hay lừa gạt hợp pháp. Nhưng quan trọng nhất trong khi quyết định về một cuộc tranh chấp là chúng ta phải thẩm định xem “giá trị thực” của vật thể hay lợi ích là thế nào.

Và tuyệt đối đừng để tình cảm xen vào việc đánh giá. Đừng lẫn lộn giữa “mirror and smoke” (gương và khói).


Gần đây, những diễn biến về Biển Đông gây nhiều tranh cãi trên thế giới và lôi kéo vào cuộc tranh chấp những quyền lực lớn như Mỹ, Nhật, Úc… Trong khi đó, những bài viết hay bình luận trên nhiều mạng lề phải hay lề trái thường xoay tròn trong tình yêu nước, pháp lý (công hàm hay thoả thuận?, kiện hay cười trừ?), quân sự (số tàu chiến, máy bay, ngư dân, tốt thí…), ngoại giao (xúi biểu tình tại hải ngoại, kêu gọi Thượng Hạ Viện Mỹ ra quyết nghị cảnh báo…) và chính trị (PR, diễn văn, lý giải lịch sử tốt vàng gì đó)….

Câu hỏi chính của tôi lại là ,”Tại sao Trung Quốc Muốn Kiểm Soát Biển Đông?”

Giá trị thực sự về tài chánh của Biển Đông là gì?

Tôi tình cờ lướt Net và tìm một vài nét chính yếu khi đi tìm 2 câu trả lời trên từ các graphics của Bloomberg và xác định bởi US Energy Information Administration. Tuy nhiên, tôi đang chịu sự chập chờn của mạng khi nằm dài trên bờ cát dài ở một nơi vắng vẻ và vợ con đang mắng là đi nghỉ mát mà còn lo nghiên khảo các “của nợ” này. Do đó, tôi hy vọng là các đọc giả và học giả sẽ bổ sung những khiếm khuyết về các con số dưới đây để chúng ta có một góc nhìn chính xác hơn.

(Với tôi, dù trích dẫn nguồn từ Bloomberg hay chánh phủ Mỹ, nhưng những số liệu này mang nhiều tính chất phỏng đoán. Việc nắn bóp thống kê để phục vụ cho thâm ý chính trị hay kinh tế rất phổ thông.)


Theo Bloomberg, đây là cốt lõi của vấn đề Biển Đông:

1 - Dưới thềm biển, có khoảng 190 ngàn tỷ foot khối (cubic foot) khí đốt. Con số này sẽ thoả mãn nhu cầu về khí đốt của Trung Quốc trong một thế kỷ. Hiện nay, giá khí đốt khoảng $2.5 mỗi ngàn cubic feet, thị giá tổng cộng của số lượng trên là 475 tỷ US đô la.

2 - Ngoài khí đốt, tiềm năng của Biển Đông còn nằm trong số 11 tỷ thùng dầu (barrels) dự trữ, đủ để cung cấp nhu cầu về dầu hoả của Trung Quốc trong 5 năm. Thị giá của dự trữ tính theo $100 mỗi thùng là 1,100 tỷ US đô la.

3 - Lưu lượng hàng hoá vận chuyển qua Biển Đông lên đến 5.3 ngàn tỷ US đô la mỗi năm. Lực lượng nắm giữ quyền kiểm soát có thể thu tô hay tạo những khủng hoảng chiến lược trị giá vô kể cho quyền lực kinh tế. Nếu dùng con số 1 phần ngàn của tổng số, tô thu về có thể đạt 5.3 tỷ mỗi năm. Trung bình 100 năm là 530 tỷ US đô la.

4 - Số lượng hải sản đánh bắt từ Biển Đông có thể lên đến 10% lượng cung của toàn thế giới. Hiện nay, 10% tương đương với 6 tỷ hay 600 tỷ cho 100 năm.

- Nếu chỉ tính nhẩm giá trị của 4 tài nguyên kể trên, tôi có con số tổng cộng là 2 ngàn 705 tỷ US đô la hay tổng số GDP của Việt Nam ước tính cho 14 năm tới.

Như tôi đã thưa, đây là con số để khởi đầu một phân tích sâu rộng hơn. Trong kinh nghiệm làm ăn của tôi, những cái lăng nhăng viển vông chỉ là những thủ thuật ma quái của các người cầm quyền hay chính trị gia hay doanh gia để “định hướng” dư luận và khách hàng. Cứ đi tìm giá trị thực và tìm giải pháp nghiêm túc dựa trên con số này. Mọi chuyện khác chỉ là bánh vẽ.

Alan Phan



* Biển Đông: "Nga không hỗ trợ Trung Quốc mà ủng hộ Việt Nam"

19:08 |

Hồng Thủy
 
(GDVN) - Nga có quan hệ đặc biệt với Việt Nam, trên thực tế Nga là một người bạn thân của Việt Nam và rõ ràng rằng Nga sẽ tiếp tục quan hệ với Việt Nam.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Tờ The Moscow Times ngày 27/5 đăng phân tích của Morena Skalamera, một học giả thuộc Dự án Năng lượng - địa chính trị của trung tâm Belfer trường Kennedy, đại học Harvard bình luận, Nga lo ngại về ý định của hải quân Trung Quốc trong khu vực Thái Bình Dương và Bắc Cực.

Ngay cả khi Bắc Kinh - Moscow phát triển quan hệ gần gũi hơn, Nga vẫn tiến hành cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Nga không hỗ trợ yêu sách chủ quyền rộng lớn (bành trướng) của Trung Quốc và gần đây đã ủng hộ Việt Nam - một khách hàng vũ khí lớn của Nga trong vấn đề Biển Đông.
Hôm 23/5, Dmitry Mosyakov, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á - Úc và châu Đại Dương từ Moscow nhận xét trên Đài Tiếng nói Nước Nga, trước đây trong một số lĩnh vực của đời sống quốc tế, lợi ích của Nga và Trung Quốc trùng nhau.
Nhưng ở các khu vực khác, nơi 2 nước có lợi ích khác nhau, Nga và Trung Quốc không thực hiện bất kỳ chính sách chung nào cùng nhau, đó là một thực tế. Nga có quan hệ đặc biệt với Việt Nam, trên thực tế Nga là một người bạn thân của Việt Nam và rõ ràng rằng Nga sẽ tiếp tục quan hệ với Việt Nam.
Đối với Trung Quốc, họ cũng có bạn bè và kẻ thù của mình, vì vậy Trung Quốc có chính sách của Trung Quốc, Nga có chính sách của Nga, nhưng sẽ có sự phối hợp nhiều hơn giữa Moscow và Bắc Kinh.
Mặc dù Nga - Trung đẩy mạnh hợp tác song phương, nhưng Nga có lợi ích riêng của Nga, Trung Quốc có lợi ích riêng của Trung Quốc. Ảnh: RIA Novosti / Alexey Druzhinin.
François Godement, giáo sư khoa học chính trị từ trung tâm Sciences Po, giám đốc chiến lược Trung tâm Châu Á tại Paris phân tích, Nga là một nước ủng hộ truyền thống của Việt Nam trong khi Việt Nam có nhiều khả năng đối mặt với xung đột vũ trang vì bị Trung Quốc bắt nạt trên Biển Đông. Và Nga sẽ mất bạn bè rất nhanh một khi có những bước tiến gần tới Trung Quốc.

Tầm nhìn ngoại giao của Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin là ông luôn luôn kiểm soát hành động của Nga ở Đông Á để cân bằng giữa Trung Quốc và các nước khác, bao gồm cả Hàn Quôc và Nhật Bản.

Cả 2 nước này đều đã khá miễn cưỡng thực hiện ngay lập tức các biện pháp trừng phạt Moscow trong cuộc khủng hoảng Crimea. Nếu ông Putin có những hành động khuyến khích 2 nước này đối phó với Nga, thì ngay lập tức sẽ thấy được những hỗ trợ hơn nữa của Nhật Bản và Hàn Quốc cho chính sách của phương Tây, đặc biệt là Mỹ đối với Nga.


Giáo sư Đinh Ngọc Thụ từ Viện Quan hệ Quốc tế đại học Chính trị Đài Loan nói với Đài Tiếng nói Nước Nga, ông không biết Tập Cận Bình sẽ làm thế nào để dung hòa hai mục tiêu hoàn toàn khác nhau mà ông tuyên bố tại Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á, tổ chức tại Thượng Hải vừa qua.

Tại đây Tập Cận Bình vừa đề xuất cái gọi là một mô hình mới của thỏa thuận an ninh, hợp tác toàn diện và bền vững ở châu Á, cam kết giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp ngoại giao, thương lượng hòa bình. Nhưng cũng chính ông Bình khẳng định sẽ bảo vệ cái gọi là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông.

* Kiện Trung Quốc: nhiệm vụ cấp bách

04:26 |
                                          
Ông Hoàng Ngọc Giao - Ảnh: Việt Dũng
Cả thế giới đều biết rằng Trung Quốc dùng vũ lực để cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cách đây 40 năm. Hành vi dùng vũ lực cưỡng chiếm lãnh thổ thuộc chủ quyền quốc gia khác là vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc.


Đó là phân tích của tiến sĩ, luật sư Hoàng Ngọc Giao - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển. Ông Giao cho rằng:

- Cả thế giới đều biết rằng Trung Quốc dùng vũ lực để cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cách đây 40 năm. Hành vi dùng vũ lực cưỡng chiếm lãnh thổ thuộc chủ quyền quốc gia khác là vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Đến nay, với việc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (HD 981), Trung Quốc đã trắng trợn xâm phạm chủ quyền Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng công pháp quốc tế và Luật biển quốc tế. Căn cứ vào quy định của Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển, chúng ta hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc.

Ít nhất 2 vụ kiện

* Cơ chế giải quyết vụ kiện ở các tòa án quốc tế hiện quy định ra sao? Chúng ta nên bắt đầu như thế nào?

- Công ước Luật biển năm 1982 có hẳn một phần quy định rất chi tiết về cơ chế giải quyết tranh chấp. Hiện nay, cũng không chỉ có Tòa án công lý quốc tế là nơi để các quốc gia có thể nhờ cậy giải quyết tranh chấp liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Đối với biển đảo còn có một cơ chế giải quyết tranh chấp riêng, đó là Tòa án luật biển được thành lập theo Công ước Luật biển năm 1982. Chúng ta cần nói rõ là ở biển Đông thì Trung Quốc có yêu sách về vùng biển và yêu sách về đảo, quần đảo. Đối với đảo, quần đảo là yêu sách về lãnh thổ, bao gồm đảo và phạm vi 12 hải lý tính từ đảo. Còn theo Công ước Luật biển năm 1982 với vùng mở rộng 200 hải lý thì quốc gia có quyền chủ quyền chứ không gọi là lãnh thổ. Như vậy, có thể thấy rõ hai vụ kiện. Một là vụ kiện liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa là vụ kiện về tranh chấp lãnh thổ. Hai là vụ kiện về hành vi của Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam - thì lại là vụ kiện chống lại hành vi Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vụ kiện này cần phải đưa ra Tòa án luật biển quốc tế.

Nhưng Trung Quốc không chỉ chiếm đóng trái phép Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa mà còn đưa ra nhiều yêu sách với phần lớn diện tích biển Đông, tức là cả một vùng nước rất rộng lớn. Họ đưa ra “đường lưỡi bò”, họ cấm đánh bắt hải sản, họ buộc tàu bè đánh cá phải xin phép... Các yêu sách này không những vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam mà còn của một số quốc gia khác. Ví dụ, với hành vi ra lệnh cấm các nước trong khu vực đánh bắt cá trên phần lớn diện tích biển Đông, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của công ước về quy chế pháp lý của các vùng biển. Nói cách khác, Trung Quốc đã ngang ngược phớt lờ các quy định về quyền của các quốc gia ven biển về vùng đặc quyền kinh tế. Có thể hình dung rằng Trung Quốc đã tự coi biển Đông như ao nhà của mình và tự ý áp đặt luật chơi. Với những hành vi như vậy, nó xâm hại đến tự do hàng hải và các quyền hợp pháp của các nước khác, thì quốc gia bị ảnh hưởng có thể kiện ra Tòa án luật biển theo cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Nghĩa là không nhất thiết cả hai bên tranh chấp phải đồng ý thì mới giải quyết. Philippines đã vận dụng cơ chế này và Tòa án luật biển đang thụ lý vụ việc. Với việc Trung Quốc tuyên bố vùng phải xin phép đánh cá trên phần lớn diện tích biển Đông vừa rồi, chúng ta hoàn toàn có thể kiện ra Tòa án luật biển.

* Ông dự liệu thế nào về những khó khăn chúng ta phải đối mặt khi muốn đưa vụ kiện về chủ quyền lãnh thổ ra Tòa án công lý quốc tế?

- Đến nay, Tòa án công lý quốc tế đã giải quyết rất nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia. Ví dụ như vụ tranh chấp ở biển Bắc giữa Đan Mạch, Na Uy; vụ tranh chấp giữa các nước châu Phi có bờ biển liền kề chồng lấn, gần đây là vụ tranh chấp khu vực đền Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia... Nói như vậy để biết các vụ kiện về tranh chấp lãnh thổ không phải là chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, việc đưa ra Tòa án công lý quốc tế về mặt thủ tục cũng có những khó khăn, mà khó khăn lớn nhất là Trung Quốc không bao giờ muốn đưa vụ việc này ra cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết. Vì vậy, ai cũng dự liệu được rằng nếu Việt Nam có nộp đơn thì tòa cũng không giải quyết được do Trung Quốc sẽ phản đối. Việt Nam cũng có thể khiếu nại vụ việc này ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhưng Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an nên họ có quyền phủ quyết.

Không chỉ ngoại giao mà còn phải qua con đường luật pháp

* Như vậy việc “mời” Trung Quốc ra Tòa án công lý quốc tế là không khả thi. Vậy chúng ta được gì nếu đơn phương đệ đơn kiện?

- Tôi cho rằng rất khó có khả năng để chúng ta đạt được mục đích là tòa thụ lý vụ kiện, bởi Trung Quốc sẽ phản đối. Tuy nhiên, chúng ta sẽ đạt được nhiều mục đích khác. Trước hết là chúng ta có một bộ hồ sơ pháp lý đàng hoàng. Chúng ta thách thức Trung Quốc ra trước công lý quốc tế. Và khi đó dư luận quốc tế sẽ đặt ra câu hỏi với Trung Quốc rằng nếu anh hành xử đúng pháp luật quốc tế thì tại sao lại từ chối thẩm quyền xem xét vụ việc tại tòa án? Tôi có thể khẳng định rằng khi chúng ta có được bộ hồ sơ pháp lý như vậy sẽ có tác động rất mạnh mẽ đến nhận thức của nhân dân Việt Nam và nhân dân quốc tế về những căn cứ pháp lý, lịch sử xác nhận chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Qua đó, nhân dân Việt Nam và quốc tế hiểu rõ rằng ai là người có đủ tư cách, có đủ căn cứ pháp lý để làm chủ Hoàng Sa và Trường Sa.

Việc đưa vụ kiện theo thủ tục trọng tài bắt buộc về việc Trung Quốc ngang nhiên vi phạm công ước khi ra lệnh cấm đánh bắt, lệnh buộc phải xin phép khi khai thác cá trên biển Đông, cũng như hành vi Trung Quốc hiện nay đang xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là việc đã đến lúc phải làm ngay, và có thuận lợi để làm. Lúc này, bị đơn là một, tức Trung Quốc, còn nguyên đơn bắt đầu có hai là Việt Nam và Philippines (tất nhiên hồ sơ pháp lý của Philippines sẽ khác của Việt Nam). Như vậy, chúng ta góp thêm một tiếng nói không chỉ để bảo vệ quyền của chính mình mà đòi hỏi Trung Quốc tuân thủ nghiêm chỉnh Luật biển quốc tế, tôn trọng “luật chơi văn minh” với các quốc gia khác trong các quan hệ liên quan tới biển Đông.

* Ai sẽ là người đứng ra khởi kiện?

- Theo pháp luật quốc tế, các quốc gia được đại diện bởi nhà nước, do đó việc khởi kiện phải đứng danh của Nhà nước và Chính phủ phải làm việc này. Tất nhiên thủ tục, hồ sơ pháp lý đối với một vụ kiện như thế này là rất phức tạp, công phu. Thông thường các nước đều phải lập ra một nhóm công tác chuyên tâm làm việc này, kể cả thuê các luật sư quốc tế để xây dựng hồ sơ. Nếu chúng ta có quyết tâm cao và ý thức rằng trong bối cảnh hiện nay, để bảo vệ được chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các quyền chủ quyền của mình trên biển Đông thì con đường đấu tranh không chỉ dừng lại ở ngoại giao mà còn phải qua luật pháp. Như vậy, chúng ta cần có quyết tâm và bản lĩnh chính trị để đưa vụ này ra kiện. Chúng ta thấy rằng Philippines làm việc này chỉ trong thời gian ngắn, họ vừa nỗ lực ngoại giao vừa nỗ lực về pháp lý.

LÊ KIÊN thực hiện

* Ông bình luận như thế nào về việc Trung Quốc luôn rêu rao rằng mình đúng nhưng lại không dám đối đầu với các vụ kiện thế này?

- Những nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rõ rằng họ vi phạm luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, với tư tưởng đại Hán và chính sách nước lớn muốn thay đổi lại trật tự thế giới, đặt lại “luật lệ cuộc chơi”, thì hành vi vi phạm pháp luật quốc tế của họ có thể được nhìn nhận rằng Trung Quốc đang nỗ lực phá bỏ các quy định của pháp luật quốc tế bất lợi cho lợi ích bá quyền của mình. Từ đó giúp áp đặt những “quy tắc và kiểu chơi” của họ trong quan hệ quốc tế.

Cũng không khó hiểu khi Trung Quốc không chấp nhận thẩm quyền của các cơ quan tài phán quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề ở biển Đông. Một mặt Trung Quốc sợ ánh sáng công lý quốc tế. Mặt khác, Trung Quốc quyết tâm áp đặt “luật chơi” của họ. Điều này lý giải vì sao Trung Quốc cũng không cảm thấy ngại ngùng hoặc lo ngại về uy tín quốc gia của họ, khi họ vô căn cứ đưa ra yêu sách chủ quyền của họ ở biển Đông, đối với đảo Senkaku của Nhật Bản, khi họ dùng các “học giả” và bộ máy truyền thông đưa tin không đúng sự thật về các hành vi gây rối, xâm chiếm của họ ở biển Đông. Do vậy trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, chúng ta phải phát huy sức mạnh của toàn thể dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đấu tranh trên nhiều mặt trận: ngoại giao, pháp lý và tại hiện trường - hành động khéo léo và kiên quyết.






* Mỹ đã làm gì để ngăn sự hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông?

06:14 |

Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: Reuters 
 
Có ý kiến cho rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama tuy đã có được một số bước tiến nhất định trong việc ngăn cản sự hiếu chiến của Trung Quốc ở biển Đông, nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế, BBC nhận định trong bài xã luận hồi giữa tuần này.
Bằng chứng rõ ràng là Bắc Kinh chỉ “án binh” cho đến khi ông Obama rời khỏi khu vực, BBC bình luận.

Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama kết thúc chuyến công du châu Á, Trung Quốc đã đem ngay giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương 981) vào vùng biển Việt Nam.

Trung Quốc còn gửi theo 80 tàu, gồm một số tàu chiến, hộ tống giàn khoan và đâm húc, bắn vòi rồng vào tàu thuyền của Việt Nam, đồng thời trắng trợn tuyên bố Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế.

Mỹ phản ứng bằng tuyên bố từ bộ ngoại giao, cáo buộc đây là hành động “khiêu khích và không có lợi” cho an ninh khu vực, đồng thời nói thêm rằng “chúng tôi quan ngại sâu sắc về hành vi nguy hiểm và hăm dọa bằng tàu thuyền” của Trung Quốc.

‘Quan ngại’

Bộ ngoại giao Mỹ cũng đã phản đối vụ ngư dân Trung Quốc săn bắt trái phép rùa biển tại Philippines.

“Trong bối cảnh Mỹ đang phối hợp với cộng đồng quốc tế để chống nạn săn bắt động vật hoang dã, chúng tôi quan ngại trước tình trạng tàu thuyền Trung Quốc săn bắt rùa biển, loài đang có nguy cơ bị tuyệt chủng”, BBC dẫn lời một phát ngôn viên của bộ ngoại giao Mỹ phát biểu.

BBC bình luận vụ việc này không căng thẳng như vụ giàn khoan và chiến tranh thường bùng nổ vì dầu nhiều hơn là vì động vật quý hiếm, nhưng các sự việc nói trên khiến người ta liên tưởng đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Mỹ hiện có quan hệ quân sự với Philippines và Nhật Bản. Hiện vẫn có nhiều hoài nghi lớn trong khu vực về mức độ can thiệp quân sự mà Mỹ có thể dùng khi bị buộc phải phản ứng, nhưng ông Obama đã hứa sẽ đứng về phía 2 nước này.

Tổng thống Mỹ cũng đã cam kết bảo vệ các nước vùng Baltic trước cuộc khủng hoảng Ukraine vì họ là thành viên NATO. Ukraine, trong khi đó, lại không thuộc NATO, BBC nhận xét.

Tương tự, Mỹ cũng không có thỏa thuận hợp tác quân sự với Việt Nam, hãng tin Anh cho hay.

Đó là lý do vì sao các nhà ngoại giao ở Washington cho rằng căng thẳng ở biển Đông có thể giống với cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ có thể sẽ phản đối ầm ĩ, nhưng sẽ không đưa ra hành động gì nhiều hơn thế, BBC bình luận.

Hoàng Uy

NÊN BIẾT
Bị tấn công dồn dập, Trung Quốc triển khai tuần tra vũ trang
Căm phẫn trước hành động ngang ngược của Trung Quốc
Trung Quốc điều tàu hộ vệ tên lửa đến khu vực hạ đặt giàn khoan trái p …
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng, tàu Việt Nam đáp trả
Giới trí thức Việt Nam ra tuyên bố phản đối Trung Quốc

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tàu Trung Quốc tấn công vòi rồng, tàu Việt Nam đáp trả thích đáng
Người dân tuần hành phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam
Máy bay tiêm kích TQ xâm phạm không phận Việt Nam
Đường phố Tokyo vang tiếng phản đối Trung Quốc
Trung Quốc điều hàng chục tốp máy bay đến khu vực giàn khoan 981
Việt Nam sẽ làm gì nếu Trung Quốc không rút giàn khoan?




 




 
 


* Chớ manh động (Sưu tầm)

21:42 |
Vì sao chúng ta không sử dụng hải quân và không quân để ngăn chặn Trung Quốc xâm phạm chủ quyền?  -  Xin tham khảo bài viết sau:

Mọi người chớ manh động

                                                           Đỗ Kiên Trung
Nước mắt Biển Đông
"Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa


Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn..."


Sài Gòn, 7/5/2014, trời nóng 39 độ và ta cũng sốt 39 độ hai ngày qua, đầu nhức như búa bổ, tay chân tên rần mất cảm giác, vẫn ráng lết lên máy tính viết vài dòng cho các học trò thân yêu.

Gửi các học trò yêu quý.
Mấy ngày nay, các em gửi tin nhắn điện thoại và facebook hỏi thầy về vu giàn khoan trái phép của Trung Quốc và đòi "thế hệ trẻ phải có hành động trước vận mệnh tổ quốc", phải "xuống đường",...

Mà nghĩ, bọn tàu khựa này canh thời điểm rất "chuẩn". Chúng nó chiếm Hoàng Sa năm 1974 khi Kissinger đã gật đầu, Hải quân Cộng Hòa hy sinh 74 chiến sĩ mà không đủ sức bảo vệ. Chúng nó chiếm đảo Gạc Ma - Trường Sa năm 1988, bắn chết 64 chiến sĩ Hải quân Nhân dân, khi chúng ta đang làm quốc tang đồng chí Phạm Hùng. Và chúng nó kéo cái của nợ 1 tỷ đô la đó xuống Biển Đông khi cả nước chúng ta đang trong kỳ nghỉ lễ Thống nhất và kỷ niệm Điện Biên Phủ.

Nhưng các em ạ, muốn bảo vệ bờ cõi, nhất thiết phải có một trái tim thật nóng và một cái đầu cực lạnh.

Dáng hình đất nước chúng ta oằn mình cong như một đòn gánh, gánh toàn bộ sức nặng của cả lục địa Trung Hoa đè lên toàn cõi Đông Nam Á, ngăn cản sự bành trướng và đồng hóa xuống phía Nam của tư tưởng khát máu, thôn tính vốn dĩ đã ăn vào xương tủy của cái dân tộc phía Bắc đó rồi.

4000 ngàn năm nay, cha ông chúng ta đã làm được, ắt có lý do.

Lý do đó, theo lời của cụ Ức Trai Nguyễn Trãi, là chúng ta đã: "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo". Chúng ta luôn khéo léo, mềm bên rắn, nhu bên cương.

Các em nghĩ mà xem, chúng ta đâu thể hành xử trái công ước luật biển quốc tế 1982, trái quy chuẩn thế giới. Cái giàn khoan của nó là di động, coi như là một con tàu, mà theo công ước 1982, nó (và kể cả tàu chiến của có) vẫn có quyền đi vào vùng đặc quyền kinh tế - EEZ của bất kỳ nước nào. Đó là tự do hàng hải, tự do hàng không. Chừng nào nó chưa cắm mũi khoan xuống thềm lục địa, thì chừng đó chúng ta chưa thể động đến vũ lực.

Chưa hết, tàu chiến của nó đang có mặt 2 chiếc hộ vệ, chưa hề khai hỏa, còn tàu Hải cảnh, Hải giám của nó là tàu bán vũ trang, chỉ có súng máy, thì ta cũng có súng máy, tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư của ta vẫn sẵn sàng nhả đạn 37 ly, 14,5 ly nếu như có biến, nếu như chúng nó động đến vũ lực. Còn chuyện dùng vòi rồng, đâm húc, là chuyện bình thường, tàu khựa và Nhật Bản vẫn đấu vòi rồng hoài ở Senkaku đó thôi. Nó chưa dùng đến Hải quân, chưa xung đột vũ trang, thì chúng ta cũng không được phép dùng. Đó là luật quốc tế, và tàu khựa cũng phải tuân thủ.
Nếu ta khai hỏa trước là ta mắc lừa nó, tức là ta sai, cộng đồng quốc tế sẽ trừng phạt chính chúng ta. Chúng nó sai, thì không có nghĩa là chúng ta được quyền sai như nó. Lấy cái sai này đè lên cái sai khác, đó là "ngụy biện hai sai thành một đúng". Thầy dạy tụi em trong môn Critical thinking hoài mà, tụi em không nhớ sao.

Tụi em yên tâm, về chuyện gì các em chê lãnh đạo nước mình tầm nhìn kém thầy không biết, nhưng về chuyện quân sự, quốc phòng, các lãnh đạo chúng ta là những "thiên tài" đấy. Thầy không "nâng bi" ai đâu nhé. Tính thầy thẳng thắn tụi em biết mà.

Chắc chắn các vị đã có chiến lược và kế hoạch "từ rất lâu". Các em thấy không, như trên hình mà báo Thanh niên đưa, mặc dù tàu Kiểm ngư của ta nhỏ bé (tàu màu trắng, bên trái hình 2), tàu Cảnh sát biển của ta không to lớn (màu sơn xanh nước biển, bên trái hình 1) nhưng vẫn kiên trì bám trụ trận địa, đấu vòi rồng với "lũ chó hoang", chỉ là màn đấu vòi rồng thôi, "khởi động" thôi các em ạ. Còn chuyện đâm, húc nhau, đó là chuyện hàng ngày, cơm bữa từ suốt mấy chục năm nay, các em không biết đấy thôi.

Ta cũng khéo léo lắm chứ, họp báo, chỉ trưng hình tàu nó đụng tàu ta, còn hình ảnh tàu ta đâm rách tàu của nó, ta đâu có trưng, đó là ta phải tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn, các cơ quan báo chí thế giới em ạ. Đó là "lợi thế so sánh" của chúng ta. Tụi em hiểu ý thầy mà.

Ngay khi thầy đang viết những dòng này, các chiến sĩ Cảnh sát biển, Ngư chính vẫn đang kiên cường "khởi động" với lũ ngoại xâm, một tấc không đi, một ly không dời. Anh bạn của thầy đang đóng trên tàu Cảnh sát biển 4032 ở Vũng Tàu nói rằng sẵn sàng chi viện ra miền Trung 24/24.

Chưa kể vị trí "khởi động" này hoàn toàn nằm trong tầm tác chiến của chiến đấu cơ Su-30, Su-22, tên lửa bờ Bastion, Termit, chiến hạm Gepard, tàu ngầm Kilo,... sẵn sàng nhả đạn bất cứ khi nào có biến, nếu chúng nó dám dùng đến vũ khí. Chúng ta mua vũ khi đâu phải để làm cảnh, chiến sĩ chúng ta được rèn luyện ngày đêm đâu phải để ngồi chơi. Đúng không các em.

Hãy nhớ lời dạy của Đức Ức Trai, nhớ lấy kinh nghiệm 4000 năm của cha ông ta. Và hãy vững tin vào các chiến sĩ với lá quốc kỳ đỏ thắm bên ngực trái.

Ngày mà lũ cướp nước, cướp biển cuốn gói ra khỏi bờ cõi, ngày đó nhanh đến thôi, thầy sẽ mở sâm banh ăn mừng tổ quốc cùng các em nhé

"Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi"

                              (Thơ của Nguyễn Việt Chiến)

 Đỗ Kiên Trung - Giảng viên Triết học của Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM.